1. Bệnh thận mạn là gì?
BTM xảy ra khi hai thận bị tổn thương và dần dần không đảm nhiệm được chức năng của mình. Nếu được điều trị, chức năng thận có thể được giữ ổn định, nếu không, tổn thương sẽ ngày càng nặng hơn qua năm tháng. Creatinine huyết thanh sẽ tăng dần và người ta có thể tính được khả năng hoạt động của thận (hay mức lọc cầu thận – MLCT) dựa vào chỉ số này. Bệnh thận mạn được phân theo mức độ thành nhẹ, trung bình và nặng. Có albumin trong nước tiểu chỉ điểm có tổn thương thận (xem bảng phân loại giai đoạn của bệnh thận mạn). Trước đây, BTM được gọi là Suy Thận Mạn (STM) nhưng từ “suy” khiến cho người ta có ấn tượng sai về bệnh. Ở giai đoạn sớm của BTM, chức năng thận vẫn còn bảo tồn ở một chừng mực nào đó, và chỉ ở giai đoạn muộn thì suy thận thực.
2. Bệnh thận mạn (BTM): Nguyên nhân
Bệnh thận mạn (BTM) là một căn bệnh nguy hiểm mà y học chưa có cách điều trị khỏi. BTM đang ngày một gia tăng với tốc độ đáng báo động trên toàn thế giới. Cứ 10 người lại có 1 người mắc một dạng nào đó của bệnh thận mạn. Sự gia tăng tỉ lệ mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc và tăng cholesterol máu là nguyên nhân chính làm tăng tỉ lệ mắc BTM.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tình trạng bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tại Việt nam
Nhiều tình trạng có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn, nhưng hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thận mạn là đái tháo đường và tăng huyết áp. Hai bệnh này chiếm gần hai phần ba số trường hợp BTM. Những nguyên nhân chính gây BTM bao gồm:
1. Đái tháo đường. Chiếm gần 35-40% tổng số trường hợp, là nguyên nhân gây BTM thường gặp nhất. Tính ước chừng, cứ ba người mắc đái tháo đường thì có một người có nguy cơ bị BTM.
2. Tăng huyết áp. Tăng huyết áp không được điều trị hoặc điều trị không tốt là nguyên nhân thứ hai gây BTM, chiếm gần 30% số trường hợp. Hơn nữa, dù nguyên nhân gây BTM là gì khác thì tăng huyết áp vẫn tiếp tục gây thêm tổn thương cho thận.
3. Viêm cầu thận. Những bệnh lý này gây viêm và tổn thương thận và là nguyên nhân thứ ba gây BTM.
4. Bệnh thận đa nang. Đây là nguyên nhân di truyền thường gặp nhất của BTM, bệnh đặc trưng với rất nhiều nang ở cả hai thận.
5. Các nguyên nhân khác: sự lão hóa của thận, hẹp động mạch thận, tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi hoặc do phì đại tuyến tiền liệt, tổn thương thận do thuốc hoặc do độc tố, nhiễm trùng thận tái diễn ở trẻ em và bệnh thận do trào ngược.
Hai nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh thận mạn là đái tháo đường và tăng huyết áp.3. Bệnh thận giai đoạn cuối là gì?
Bệnh thận giai đoạn cuối là thời điểm mà BTM chạm tới giai đoạn muộn (dưới 10% chức năng thận bình thường). Thậm chí, thận có thể suy hoàn toàn và tình trạng này không thể hồi phục. Ở giai đoạn này, điều trị bảo tồn (tức là dùng thuốc, chế độ ăn và thay đổi lối sống) không còn đủ để duy trì sự sống và bệnh nhân cần được điều trị thay thế thận (lọc máu hoặc ghép thận).